
Bác Hồ tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của. Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chính là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Theo Người, lao động phải đi đôi với tiết kiệm và bảo vệ của công. Người luôn luôn nhắc nhở: “Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất. Kiệm mà không cần thì cũng vô ích. Cần mà không kiệm thì tay không lại hoàn tay không”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiết kiệm không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, mà còn từ tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết. Theo Người: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền to bằng cái nống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và Nhân dân”[2].
Quan điểm tiết kiệm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của Nhân dân. “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”[3]. Chính vì vậy, lời kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí của Người có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Năm 1927, tại phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng trong cuốn Đường cách mệnh, phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với nó là lãng phí. Theo Người: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”[4], bởi “nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”[5].
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống tham ô, quan liêu, lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liệm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến… Người căn dặn: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc Nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng văn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”[6].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, Người là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, cá kho, đĩa rau muống luộc... Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ... Điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác là: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của Nhân dân”[7]. Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chon trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước.
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này như: Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Gần đây, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí” thể hiện thông điệp mạnh mẽ để thức tỉnh việc sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội.Việc chống lãng phí, không những vì lợi ích trước mắt của quốc gia, dân tộc, gia đình, xã hội mà còn vì tương lai của đất nước. Bài viết của Tổng Bí thư đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì đây là một vấn đề có ý nghĩa thời sự quan trọng, giúp mọi người nhìn nhận lại tình trạng lãng phí trong xã hội và nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước phải nghiêm túc xem xét trong việc sử dụng nguồn lực của xã hội, đó là những hạn chế trong cơ chế, chính sách đến cuộc sống thường ngày trong Nhân dân.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí, mỗi cán bộ, đảng viên dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải tiết kiệm trong sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Học Bác từ những điều nhỏ như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xử lý, phát hành văn bản; quản lý thời gian hiệu quả... Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu chấp hành các quy định của Trung ương, cơ quan, đơn vị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống của dân tộc…
Việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí vào thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp đối với mỗi tổ chức, đơn vị trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên và người lao động cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để từ đó “xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”[7] như Tổng bí thư Tô Lâm đã kêu gọi./.
Nguyễn Thanh Thủy, phòng Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.9, tr.549
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.7, tr.352
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.6, tr.16
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.7, tr.353
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.7, tr.354
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.8, tr.392
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.15, tr.613
[7] Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm (baochinhphu.vn)