Học tập suốt đời là quá trình không ngừng tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy trong suốt cuộc đời của con người; không giới hạn trong khuôn khổ trường học mà mở rộng ra mọi môi trường sống: gia đình, xã hội, công sở…; là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập – nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc học không dừng lại sau khi tốt nghiệp mà cần tiếp tục để thích nghi với sự thay đổi, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn mỗi công dân cần: “Biết ham học… Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”, hay: “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo, mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự đào thải mình”.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Đối với mỗi cá nhân, học tập suốt đời giúp nâng cao trình độ, mở rộng tư duy và phát triển năng lực bản thân. Một người luôn học hỏi sẽ có khả năng thích ứng tốt, tự tin hơn trước những đổi mới không ngừng của xã hội; đây chính là nền tảng để thành công trong công việc và cuộc sống, nhất là trong thời đại số, khi công nghệ và nghề nghiệp liên tục thay đổi, việc cập nhật tri thức là yêu cầu cấp thiết để không bị tụt lại phía sau. Cùng với đó, việc học tập suốt đời cũng có những tác động tích cực đối với mỗi tổ chức, bởi đó là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một tổ chức biết đầu tư cho việc học tập, bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên sẽ tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, linh hoạt và bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước, Đảng ta nhất quán quan điểm chỉ đạo giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Xây dựng xã hội học tập là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục nền giáo dục nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định quan điểm chỉ đạo: “Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu”, “Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị trực thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng học, gia đình có trách nhiệm tạo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập…”.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã đạt được được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực, phát huy và sử dụng hiệu quả hoạt động của các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường, các thiết chế văn hóa ở cơ sở; chú trọng phát triển, nâng cấp mạng lưới, cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ các hoạt động học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; quan tâm xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”. Đến nay, tỉnh có đủ các cấp học theo hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học; có 185.655/238.453 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập (đạt 77,86%), 767/1.090 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập (đạt 70,37%), 617/636 đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị học tập (đạt 97,01%); 100% cấp huyện, cấp xã thành lập Hội Khuyến học và có trung tâm học tập cộng đồng, 1.733 chi hội thôn, bản, tổ nhân dân; 717 Ban khuyến học cơ quan, đơn vị, trường học…
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học, xây dựng thói quen thường xuyên tự nghiên cứu, học tập chủ động, sáng tạo, linh hoạt để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động. Đồng thời, xác định việc học tập suốt đời không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân và tổ chức giúp phát triển bản thân và góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh và phát triển bền vững.
Phương Linh, Phòng Khoa giáo, Văn hóa - Văn nghệ