Ảnh minh hoạ: Tất Thắng
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chỉ ra trong Nghị quyết là: “Tích cực đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với đối tượng học, bậc học trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong các học viện, các trường chính trị. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, học sinh trong tình hình mới.”
Để đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào chương trình dạy học lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thành phố cần lưu ý một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo các trung tâm chính trị trong việc đưa nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào giảng dạy các chương trình trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, được quy định tại chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị theo Quy định số 09-Qđi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hai là, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính chiến đấu trong mỗi bài giảng lý luận chính trị. Quá trình soạn, giảng phải luôn “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(1). Đảm bảo truyền đạt các nội dung của Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, giúp hình thành thái độ, niềm tin, định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn cho học viên, nâng cao ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Ba là, tích cực kiểm tra giáo án, dự giờ, thao giảng và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Thông qua các hoạt động dự giờ, thao giảng các bộ môn lý luận chính trị gắn với tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, kiến thức, kỹ năng của giảng viên được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp giảng viên có điều kiện hiểu sâu hơn các nội dung cụ thể gắn với bổ sung kiến thức lý luận, thực tiễn trong giảng dạy để bài giảng trở nên sinh động, thuyết phục. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho giảng viên. Tham gia các cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trước mắt là Cuộc thi lần thứ Ba, năm 2023.
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị, có trình độ lý luận sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu người học. Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cả về lý luận và chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên.
Theo Nguyễn Nhung/tuyenquang.dcs.vn