Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiên các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Qua 22 năm thực hiện đến nay, thực tế đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua việc thực hiện các mô hình học tập. Hội thảo là dịp để các đại biểu, các nhà khoa học phân tích, làm rõ những kinh nghiệm, cách làm, giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò của gia đình, dòng họ để xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo là hoạt động hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Gia đình cũng là môi trường đầu tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho việc học tập thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của mỗi con người. Mỗi dòng họ Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã có đóng góp to lớn cho cộng đồng, cho công cuộc xây dựng đất nước. Khuyến học, khuyến tài của các dòng họ là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của con, cháu, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Đồng chí đề nghị trước hết cần nhận thức đầy đủ hơn sâu sắc hơn về vai trò của gia đình dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo môi trường học tập đa dạng, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, khuyến khích tinh thần học tập trong cộng đồng.
Mỗi gia đình mỗi dòng họ phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình để có trí thức, có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường phát triển toàn diện của con người. Mỗi công dân phải có trách nhiệm với gia đình với xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước.
Các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của gia đình dòng họ trong xây dựng xã hội học tập; lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, các mô hình gia đình văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử của dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam...
Các tham luận tại hội thảo đã làm rõ thêm vai trò của dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời của các gia đình, thành viên trước những yêu cầu hiện nay; vai trò hạt nhân của gia đình Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; những kinh nghiệm thực tế, những cách làm hay, phương pháp động viên con cháu phát huy tinh thần hiếu học, giữ gìn nền nếp gia phong, gia giáo. Các tham luận đã đề xuất giải pháp tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục truyền thống hiếu học, hình thành, phát huy những nét đẹp văn hóa và giá trị văn hóa trong điều kiện đời sống mới.
Theo Thanh Phúc/baotuyenquang.com.vn