Những Thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ Hát Then - Đàn tính huyện Chiêm Hóa
Theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ Then được chia làm nhiều loại khác nhau: Then cầu mong (cầu thọ, cầu đường tình duyên, con cái), Then chữa bệnh, Then tống tiễn (đưa linh hồn người chết về với tổ tiên), Then cầu mùa đón “Nàng Hai” (nàng tiên) xuống ăn cơm mới, Then chúc tụng (mừng thọ, đẻ con), Then đại lễ cấp sắc (phong chức cho người hành nghề Then)[1]...
Then chứa đựng tính thiêng, tính vật chất hoá, tính kinh nghiệm... trong đó, ngôn ngữ và phong cách thể hiện các lời hát Then mang tính thiêng phù hợp với sự giao tiếp được nảy sinh trong quan hệ giữa người với thần linh. Tính thiêng trong Then là biểu tượng mang tính liên kết, nó nối lại và thắt chặt những mối quan hệ trong cộng đồng.
Then của người Tày thường sử dụng ngôn ngữ với tính vật chất hoá, tức là ngôn ngữ tường thuật biểu tượng được hình thành bằng cách biến ngôn ngữ thành vật chất để thử thách con người vượt qua (ví dụ: vượt qua ngọn núi, vượt qua cây cầu...). Ngôn ngữ ra đời trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp, trao đổi của con người. Dấu ấn về thế giới hiện thực khách quan sẽ luôn tồn tại theo sự vận dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp của con người. Người Tày dùng ngôn ngữ mang tính kinh nghiệm trong Then để tường thuật biểu tượng về cõi tục - cõi thiêng, đồng thời gắn liền với thực tại đời sống cư dân Tày. Ví dụ: Biểu tượng “hoa” trong Then được người Tày đã phú cho hoa những ý nghĩa đẹp nhất, “hoa” vừa có biểu tượng kép: Vừa là mẹ, vừa là vẻ đẹp.
Biểu tượng “hoa” xuất hiện nhiều lần dưới dạng thức là hoa rừng, hoa tươi và dưới dạng thức là những biến thể của nó... để biểu thị về cái đẹp và sức sống mãnh liệt của các bà mẹ.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này, sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực và thống nhất cao giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh có di sản Then trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, ngày 13/12/2019, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - di sản văn hóa phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 31/10/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch số 209/KH-UBND về Triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022 - 2027, nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO tại hồ sơ đề cử ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, giai đoạn 2022 - 2027 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo Văn bản số 3544/BVHTTDL-DSVH ngày 19 tháng 9 năm 2022.
Theo đó, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng Then cần thực hiện các giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” ở Tuyên Quang; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung; nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái nói riêng. Trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm đến việc chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Tày, Nùng; hiện nay, toàn tỉnh có trên 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính; đây chính là nơi để các nghệ nhân cao tuổi, giàu kinh nghiệm truyền dạy cho con cháu, và thế hệ trẻ những nghi thức Then và đặc biệt là cách hát Then vô cùng đặc sắc, ấn tượng của người Tày ở Tuyên Quang.
[1]: Đặng Thế Anh, Triệu Thuỷ Tiên, Mã Thế vinh, Nông Thị Phượng, Then của người Tày, NXB. Văn hoá dân tộc, 2020, tr.16
Hoàng Mai/tuyenquang.dcs.vn